

Sau khi sinh là khoảng thời gian bạn cần thích nghi lại về mặt tâm sinh lý. Cơ thể bạn sẽ dần trở lại trạng thái cân bằng. Trong lúc đó, bạn và gia đình sẽ có thêm trọng trách là phải đáp ứng với những nhu cầu của bé.
Thời gian thích nghi này dài, ngắn khác nhau tùy vào từng gia đình và từng thành viên trong gia đình. Những yếu tố như việc sinh hoạt của bé, kinh nghiệm chăm sóc bé của bạn, những sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài cũng chiếm một phần thời gian thích nghi của bạn. Sẽ có ích nếu bạn dự kiến được những gì sẽ đến và lên kế hoạch chuẩn bị trước càng kỹ càng tốt.
Sau khi sinh, có thể bạn sẽ phải trải qua những xáo trộn về mặt tâm lý. Điều này là hết sức bình thường, vì cơ thể bạn lại có những thay đổi do hormon gây ra. Bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi khác thường, điều này sẽ làm giảm khả năng thích nghi với cuộc sống mới của bạn. Để có thể vượt qua giai đoạn này, bạn nên nghỉ ngơi và đừng e ngại nhờ người khác giúp đỡ mình.
Những thay đổi của cơ thể
Tử cung
Tử cung của bạn sẽ trở lại kích thước như trước khi bạn có thai khoảng 5-6 tuần sau khi sinh. Trong thời gian này sẽ có chảy máu sau sinh do các lớp niêm mạc tử cung bong ra, gọi là sản dịch. Chất sản dịch thường có mùi như thịt, lúc đầu trông đỏ như máu, nhưng sau đó sẽ chuyển dần sang màu vàng ngà, trắng hoặc nâu trong các tuần tiếp theo. Chất sản dịch sẽ ra nhiều khi bạn thay đổi vị trí, ví dụ như khi bạn đứng lên sau khi nằm.
Thời gian chảy máu sau sinh dài ngắn tùy thuộc mỗi người. Một số người có thể bị chảy máu trong khoảng thời gian ngắn từ 2-3 tuần, trong khi một số người khác lại có thể bị chảy máu trong tới 6 tuần sau khi sinh. Tử cung của bạn co lại làm cho sản dịch tiết ra ngày càng ít đi.
Bạn nên tránh dùng băng vệ sinh (loại đặt vào âm đạo) trong thời gian sau khi sinh. Vì khi đặt loại băng vệ sinh này vào trong âm đạo sẽ tăng nguy cơ bị viêm nhiễm, và bạn sẽ cảm thấy không thoải mái.
Nếu bạn ra nhiều máu cục, ra nhiều máu kéo dài, hoặc máu có mùi hôi, thì bạn nên gặp bác sĩ vì việc này có thể do nhiễm trùng hoặc vẫn còn sót một phần nhau thai trong tử cung của bạn.
Vú
Vú của bạn có thể căng tức và đau trong vài ngày sau khi sinh, đó là do vú bạn đang căng sữa. Bạn có thể làm giảm sự khó chịu này bằng cách cho con bú thường xuyên.
Nếu bạn không cho con bú thì bạn có thể được cho dùng thuốc làm hạn chế sự tiết sữa. Mặc dù vậy vú bạn vẫn căng cứng và tiết sữa. Bạn có thể khắc phục bằng cách chườm đá để giảm đau tạm thời và sẽ đỡ sưng do căng sữa. Không nên vắt sữa từ vú của bạn vì việc này sẽ càng kích thích việc tiết sữa.
Sự lưu thông máu
Việc sinh nở luôn kèm theo là sự mất máu. Nếu bạn phải bị rạch âm hộ (thủ thuật làm âm đạo rộng hơn giúp cho việc sinh bé được dễ dàng) hoặc âm đạo bị rách rộng, thì bạn sẽ mất nhiều máu hơn. Sau khi sinh bé, bạn tiếp tục bị mất máu đó chính là sản dịch. Bạn không cần phải lo lắng, bởi vì cơ thể bạn đã tích lũy được thêm máu trong quá trình mang thai. Tuy nhiên bạn vẫn nên dùng đủ sắt để tránh nguy cơ thiếu máu.
Chăm sóc bản thân bạn sau khi sinh
Nghỉ ngơi và tập luyện
Nghỉ ngơi là rất cần thiết để cơ thể hồi phục. Khi con bạn ngủ, bạn cũng nên cố gắng ngủ và cố gắng chợp mắt bất cứ lúc nào có thể. Bạn nên ngủ đủ thời gian trong một ngày giống như trước khi bạn có thai, cho dù bạn có thể bị đánh thức giữa chừng.
Nếu bạn sinh không quá phức tạp, bạn có thể bắt đầu luyện tập ngay sau khi sinh để hồi phục. Nếu bạn phải trải qua một số phẫu thuật trong và sau khi sinh như phải rạch âm đạo, hay mổ đẻ thì bạn nên nghỉ ngơi lâu hơn. Trước khi bắt đầu luyện tập, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ của mình và không nên luyện tập quá sức.
Chăm sóc vùng đáy chậu của bạn
Vùng đáy chậu là vùng giữa xương mu của bạn và hậu môn của bạn (nằm ở cuối cùng xương sống của bạn). Vùng này nên được chăm sóc một cách đặc biệt sau khi sinh để tránh nhiễm trùng, giảm đau và làm vết thương mau lành, đặc biệt nếu bạn phải khâu do âm đạo bị rách hay phải rạch. Hãy làm như sau:
- Chăm sóc sàn khuung chậu sẽ giúp lưu thông máu vùng đáy chậu, và giúp cho các cơ sàn chậu được chắc khỏe. Điều này cũng sẽ giúp cho vùng đáy chậu của bạn mau lành và đỡ sưng tấy.
- Chườm nóng và lạnh cho vùng đáy chậu có thể làm giảm đau. Quấn khăn bông ở xung quanh để bảo vệ da bạn khỏi nóng quá hoặc lạnh quá.
- Sau khi đi tiểu, vệ sinh vùng đáy chậu của bạn bằng nước ấm. Nhớ là đổ nước từ đằng trước ra phía trực tràng của bạn.
- Sau khi đi vệ sinh nên vệ sinh sạch sẽ từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng.
- Tránh sử dụng băng vệ sinh loại đặt vào âm đạo.
Tiểu tiện và đại tiện khó
Vùng đáy chậu bị đau và cơ bụng kém đàn hồi làm cho việc đi vệ sinh rất bất tiện. Nếu bạn khó đi tiểu, hãy cố gắng thư giãn, uống nhiều nước và rửa vùng đáy chậu bằng nước ấm để kích thích đi tiểu. Nếu bạn bị táo bón, hãy cố gắng tăng cường chất xơ như ăn hoa quả, rau, ngũ cốc và uống nhiều nước. Luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ, có thể làm giảm táo bón. Đừng nên dùng quá nhiều các chất có bổ sung sắt vì chúng sẽ làm cho bạn càng táo bón hơn.
Giúp bạn luyện tập
Để có thời gian nghỉ ngơi, bạn nên nhận sự giúp đỡ từ phía gia đình hay bạn bè. Đừng ngại nhờ họ nấu ăn, giặt là, mua bán hay hút bụi. Bạn cũng có thể thuê người giúp việc.
Kiểm tra sức khỏe sau khi sinh
Kiểm tra sức khỏe 3-8 tuần sau khi sinh là một việc rất nên làm. Mục đích của việc kiểm tra này là xem bạn hồi phục có tốt không và xem liệu có vấn đề gì không. Tuy nhiên nếu có điều gì bất thường xảy ra với bạn như sản dịch bất thường, bạn nên hỏi bác sĩ ngay lập tức hơn là chờ đến lúc đi khám.
Đây cũng là cơ hội tốt để bạn có thể hỏi bác sĩ về những thắc mắc của mình. Ví dụ nếu bạn phải mổ đẻ, bạn sẽ muốn biết một số điều cho lần mang thai sau. Cũng có thể bạn muốn tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tránh thai tại kỳ kiểm tra sức khỏe này.
Thích nghi với cuộc sống làm cha mẹ
Những tuần lễ đầu sau khi sinh thường không dễ chút nào. Bạn sẽ trải qua những cảm giác thăng trầm vì sự thay đổi hocmon, mệt mỏi, do sự thiếu kinh nghiệm và thiếu sự hỗ trợ. Cùng lúc đó bạn phải đối mặt với những đòi hỏi của bé. Đối với một số người, cảm giác này qua đi rất mau. Nhưng đối với một số người khác, cảm giác này kéo dài và họ không chống lại được.
Nếu bạn cảm thấy lo âu, chán nản hoặc bạn không thể chịu đựng được, hãy tâm sự với chồng bạn, gia đình và bạn bè bạn. Hãy tìm đến những tổ chức hỗ trợ các bà mẹ trẻ ở gần chỗ bạn ở, nếu có. Hãy nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học hoặc các nhà tư vấn có chuyên môn về tâm sinh lý sau khi sinh.
Nếu bạn có những dấu hiệu sau, hoặc nếu tâm trạng bạn vẫn còn chán nản, có thể bạn có nguy cơ bị trầm cảm sau khi sinh, và bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ:
Những triệu chứng trầm cảm sau khi sinh
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Thèm ăn
- Khóc một cách vô cớ, và mãi không thôi
- Cảm thấy mình rất vô dụng
- Không cảm thấy hứng thú với những thú vui trước đây của mình
- Dễ cáu kỉnh với chồng và/hoặc các con của bạn
- Mất tập trung
- Cảm thấy mình như người thừa
- Khó vui vẻ và nở nụ cười trên môi
Hãy cố gắng ăn uống và luyện tập, chơi đùa với con bạn càng nhiều càng tốt. Khoảng thời gian này sẽ không kéo dài lâu.