

Đích ngắm cuối cùng của bạn là sự diệu kỳ và vẻ đẹp của bé gái hay bé trai. Làm mẹ trẻ sơ sinh là cả niềm hạnh phúc với vô số mốc quan trọng đáng ghi nhớ và sự kiệt sức vì thiếu ngủ nhiều. Tình yêu vô bờ bến và sự hy sinh của bạn cho sinh linh nhỏ bé có thể đang gạt những những ưu tiên trong cuộc sống và những lựa chọn lối sống của bạn ra sau nhu cầu của em bé để bạn có thể trở thành một người mẹ tốt nhất. Có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng trước khi bạn làm được một cái gì đó cho chính bản thân mình và bạn không nên dằn vặt mình khi cuối cùng bạn quyết định đi làm tóc hay trở thành hội viên tập thể dục. Chăm sóc bản thân và mối quan hệ với chồng cũng sẽ cải thiện vai trò làm mẹ của bạn. Một số các mối lo âu hay quyết định phổ biến khác mà những người mới làm mẹ thường gặp phải khi chăm sóc em bé sơ sinh của họ sẽ được thảo luận dưới đây nhằm cung cấp cho bạn một số hướng dẫn trong những năm đầu này.
Liệu nên cho con bú hay nuôi bộ ( nuôi con bằng sữa công thức)?
Nuôi bộ có thể là lựa chọn tốt nhất của nhiều phụ nữ. Điều này không có nghĩa là khả năng làm mẹ bị thất bại hay tồi tệ, vì các nguyên nhân này nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhiều phụ nữ đơn giản chỉ là không thể tiết đủ sữa, những người khác có thể có núm vú bị tụt vào trong hoặc bị đau khi bé bú; một số có thể bị ung thư vú hoặc có những em bé không dung nạp đường lactose, cần sữa công thức không chứa lactose. Có rất nhiều lý do giải thích tại sao phụ nữ sẽ phải chọn lựa sữa công thức và trong nhiều trường hợp thì đây là một lựa chọn tốt hơn so với sự căng thẳng gia tăng do phải kiên trì cho con bú.
Tuy nhiên, nếu bạn là một trong những người may mắn có thể cho con bú dễ dàng trong suốt 4 – 6 tháng đầu tiên thì điều quan trọng là phải nhận ra tất cả những ưu điểm của việc cho con bú để đưa ra quyết định một cách tỉnh táo và không để các cảm xúc nhất định hoặc quan niệm sai lầm về việc cho con bú hoặc nuôi bộ làm cho bạn và em bé của bạn không được hưởng những lợi ích này. Đối với người mẹ, việc cho con bú thúc đẩy quá trình phục hồi cơ thể sau thời kỳ mang thai, đóng vai trò như một biện pháp tránh thai tự nhiên, có thể làm giảm sự căng thẳng và tăng những cảm xúc hạnh phúc. Hãy nghĩ về sữa mẹ như một công thức sữa cho em bé tự nhiên và miễn phí, giúp bạn tiết kiệm tiền và thời gian (chuẩn bị và khử trùng các chai sữa). Đối với em bé, sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo của tự nhiên, đầy đủ các chất dinh dưỡng và các yếu tố bảo vệ mà sữa công thức không thể bắt chước được. Sữa mẹ có chứa các yếu tố miễn dịch và tăng trưởng quan trọng có hàm lượng cao đặc biệt trong những tuần đầu tiên sau khi sinh.
Tư vấn dinh dưỡng nói chung là cần thiết đối với việc cho con bú của những người ăn chay hoặc đối với những người mẹ đang có chế độ ăn kiêng để ngăn ngừa các thiếu hụt dinh dưỡng gây hại tới trẻ sơ sinh và những bà mẹ ăn chay cần phải lưu ý rằng vì chế độ ăn có nhiều chất xơ của họ, nên họ có thể cảm thấy kém ngon miệng, có thể hạn chế lượng thức ăn họ ăn vào. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn để xác định lựa chọn tốt nhất dành cho bạn và cho em bé của bạn. Họ sẽ khuyến cáo nên chỉ nuôi con bằng sữa mẹ hay bằng sữa công thức trong bốn đến sáu tháng đầu. Bạn có thể thấy ích lợi của việc sử dụng sữa công thức tương tự như sữa mẹ nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc khó khăn trong việc chỉ cho con bú. Nhưng nếu có thể thì tốt hơn cả là nên kiên trì cho con bú càng lâu càng tốt. Nếu bạn bắt đầu dựa vào hoặc sử dụng sữa công thức ngay từ tháng đầu tiên thì nó có thể làm giảm việc cung cấp sữa mẹ. Sau sáu tháng, có thể đưa dần thức ăn đặc vào chế độ ăn của bé; việc này có thể giảm bớt căng thẳng của việc dựa vào chế độ ăn của bạn là nguồn chính cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho 15 tháng qua.
Duy trì động lực cho con bú
Nhiều phụ nữ cảm thấy khó khăn để duy trì việc cho con bú tối thiểu trong sáu tháng. Có nhiều yếu tố về lối sống chi phối khoảng thời gian cho con bú. Sự hỗ trợ và khích lệ của xã hội sẽ góp phần giúp bạn hoàn thành giai đoạn sáu tháng nuôi con bằng sữa mẹ. Chồng bạn, gia đình và các bạn sẽ đóng vai trò hỗ trợ lớn và còn cả câu lạc bộ của các bà mẹ cũng vậy, ở đó bạn sẽ có thêm sự hỗ trợ từ những người mới làm mẹ như bạn. Để tham gia câu lạc bộ của các bà mẹ, hãy yêu cầu y tá giúp bạn ghi danh, bạn có thể đến trung tâm sức khỏe cộng đồng địa phương hoặc có thể thành lập một câu lạc bộ với những người mẹ cùng tham gia lớp tiền sản với bạn. Hãy cố gắng kiềm chế sử dụng núm vú giả cho đến khi việc tiết sữa của bạn được thiết lập tốt, hãy giảm hoặc ngừng hẳn việc hút thuốc lá vì một số nghiên cứu cho thấy chất độc nicotine có thể ngăn cản hormone tiết sữa gọi là prolactin và khi bạn trở lại làm việc, hãy cố gắng vắt sữa vào buổi sáng để sẵn trước cho người trông trẻ hoặc những người trông ban ngày.
Tập luyện
Rất nhiều phụ nữ hỏi bao nhiêu lâu sau khi sinh họ có thể quay trở lại tập thể dục. Câu trả lời này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ tập thể dục trước và trong thời kỳ mang thai và tình trạng của quá trình chuyển dạ của bạn bao gồm kiểu sinh, khoảng thời gian sinh và mức độ mệt nhọc. Cơ thể của bạn một lần nữa lại phải trải qua những thay đổi rất lớn sau khi sinh và bạn nên cho cơ thể thời gian để hồi phục. Bạn nên tự làm thoải mái việc tập thể dục bằng cách tập các bài tập nhẹ nhàng ngay sau khi bạn cảm thấy đủ sức. Hầu hết phụ nữ cho con bú có thể tham gia vào một số chương trình tập thể dục mà không ảnh hưởng đến việc tiết sữa của họ. Giống như các thời điểm khác xung quanh thời kỳ mang thai, bạn nên tránh các bài tập mạnh và không nên tập thể dục nếu bạn cảm thấy rất mệt. Làm săn chắc bụng là tiêu chí cao nhất trong danh mục ưu tiên của mọi phụ nữ nhưng trước hết bạn nên kiểm tra với bác sỹ xem liệu tử cung của bạn có phải đang co lại trước khi bạn thử tập luyện. Các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như vùng thắt lưng và chân cũng sẽ có lợi từ các bài tập. Làm cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh sẽ cải thiện sự lưu thông máu và khả năng chịu đựng của bạn, vì vậy bạn có thể đương đầu được với những yêu cầu của việc chăm sóc em bé. Bạn cần cố gắng để việc tập luyện này trở thành một trong những hoạt động thường xuyên hàng ngày để lấy lại sức mạnh cho cơ sàn chậu nhằm ngăn chặn tình trạng tiểu són và sa tử cung trong tương lai. Nếu bạn đã sinh mổ, hãy nói chuyện với bác sĩ về loại hình bài tập phù hợp với bạn. Hãy nhớ rằng chương trình tập luyện của bạn cần được bổ sung bằng một chế độ ăn uống lành mạnh và uống nước đầy đủ, đặc biệt khi bạn đang cho con bú.
Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh
Ngay sau khi sinh và kéo dài một vài ngày sau khi sinh, 60 – 80% phụ nữ sẽ cảm thấy không ổn định, buồn rầu và dễ cáu giận; các cảm giác này có lẽ không được đón chờ sau nhiều tháng chờ đợi gặp mặt bé yêu của bạn. Hội chứng Baby blues xảy ra là do các hormone thai kỳ thay đổi nhanh chóng thành các hormone cho con bú cùng với các cảm giác kiệt sức do việc sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh và việc bị choáng ngợp bởi trách nhiệm có thể làm tổn hại đến các cảm xúc của bạn. Nhờ nghỉ ngơi nhiều và được an ủi từ gia đình và bạn bè, bạn sẽ cảm thấy khá hơn rất nhanh. Nếu việc chiến đấu với hội chứng blues kéo dài hơn 1 tháng hoặc cách xa vài tuần đầu tiên sau khi sinh thì bạn có lẽ đã bị trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh (PND) có thể ảnh hưởng tới các bà mẹ trong nhiều tuần, nhiều tháng và tới một năm sau khi sinh. Nó cũng chính là bệnh trầm cảm lâm sàng được chẩn đoán cho nam giới hoặc nữ giới ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chỉ có điều trầm cảm sau sinh được cho là do kết quả của sự thay đổi từ giai đoạn mang thai và sinh nở làm phá vỡ sự cân bằng hóa học trong não. Không giống như hội chứng baby blues, PND là một căn bệnh và phải được bác sĩ chẩn đoán và chữa trị. Nó là một dạng phổ biến của trầm cảm ảnh hưởng đến 1 trong số 4 bà mẹ mới sinh. Các nguyên nhân chính xác của PND chưa được biết rõ tuy nhiên sự thay đổi về hormone và/hoặc các yếu tố về xã hội và cảm xúc được cho là có góp phần tạo nên các nguyên nhân đó. Phụ nữ mà có tiền sử gia đình bị bệnh trầm cảm, lo âu hoặc bệnh tâm thần, đã có ca đẻ khó, sinh non và các biến chứng khác, thì có nguy cơ mắc PND cao hơn. Nếu cảm thấy thất vọng, cô đơn, mệt mỏi và luôn lo lắng cho em bé hoặc nếu có bất kỳ cảm giác trầm cảm nào khác thường xuyên gây phiền muộn cho bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ để có các giải pháp điều trị phù hợp và để được điều trị tốt nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.
Cố gắng để giữ được các mối quan hệ xã hội
Việc chăm sóc em bé suốt ngày đêm có thể khiến bạn cảm thấy bị tước đi một số lớn quan hệ bè bạn. Hãy đề nghị những người bạn và gia đình tới chơi với bạn hoặc nói chuyện với họ qua điện thoại và tham gia nhóm các bà mẹ nơi bạn và em bé của bạn có thể cùng vui với những người khác có hoàn cảnh tương tự. Khi em bé không còn chiếm hết thời gian của bạn, hãy đọc cuốn sách mà bạn muốn hoặc xem một bộ phim yêu thích hoặc chọn một số sở thích trong nhà để giữ cho tâm trí của bạn được hứng khởi. Các cuộc đi bộ bước nhanh có thể cũng giúp cho tâm trí bạn được sảng khoái. Hãy lấy xe đẩy ra và cùng nhau hít thở không khí trong lành, thư giãn duỗi dài các cơ và ngắm nhìn vẻ đẹp em bé của bạn ở ngoài trời.
Mất ngủ
Một trong những phiền muộn phổ biến nhất trong thời gian đầu mới làm mẹ là việc thiếu ngủ do bạn phải chăm sóc các nhu cầu của em bé suốt đêm. Thật không may là rất nhiều bà mẹ cũng sẽ nói với bạn rằng việc mất ngủ là một vấn đề mà họ đã phải đối phó nhiều năm vì nhu cầu của em bé trong đêm không chỉ bị giới hạn trong các tháng sơ sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho thấy hầu hết các bà mẹ (và các ông bố) trẻ đều có thời lượng ngủ tương tự như trước khi họ có em bé. Vấn đề thực sự là giấc ngủ của họ liên tục bị gián đoạn, vì vậy rất nhiều các ông bố bà mẹ trẻ dành nhiều thời gian cho giấc ngủ ngắn, không đạt được giấc ngủ sâu, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ hơn là thời lượng ngủ. Đây chính là lý do phổ biến gây ra việc thiếu ngủ. Vấn đề này có thể ảnh hưởng khác nhau tới mỗi người vì một số người không cần ngủ nhiều để hoạt động, trong khi đó thì một số người khác lại thấy giấc ngủ ngắn không có chút hữu dụng nào. Có rất nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề này và điều quan trọng là tìm ra cách nào là tốt nhất cho cả gia đình bạn. Một số người thấy thuận lợi trong việc ngủ thay phiên, lần lượt trông em bé, như vậy ít ra thì cứ cách đêm bạn lại có thể có một giấc ngủ ngon lành, không bị gián đoạn. Khi em bé của bạn lớn hơn, đôi khi tất cả những cái mà bạn cần chỉ là một buổi tối tách xa em bé một tháng tuổi của bạn để có thể ngủ được, để được hoàn toàn tái nạp năng lượng. Một vấn đề khác đơn giản là áp lực cố gắng để ngủ trước khi em bé bắt đầu khóc. Nếu bạn thấy mình không dễ ngủ và phải mất rất lâu mới ngủ được, bạn nên xem xét giải quyết những vấn đề này ví dụ như không dùng caffeine hoặc thức ăn giàu năng lượng vào buổi tối; hoặc nên làm sao đó để tâm trí thanh thơi, không còn lo nghĩ gì trước khi đi nằm. Việc nghĩ về các vấn đề như em bé, tài chính và các vấn đề khác trước khi ngủ là các yếu tố phổ biến làm cho mọi người không ngủ được. Tuy nhiên, cuối cùng thì, bạn có thể cần phải chấp nhận thực tế là thiếu ngủ là một phần của việc có em bé và cơ thể của bạn sẽ có thể thích ứng.
Căng thẳng do công việc, tài chính và việc cách ly với em bé
Nếu vì phải đi làm lại mà không được chứng kiến những bước đi chập chững, những tiếng bập bẹ đầu tiên của con mình, hay bất kỳ một mốc phát triển nào của bé không phải là một điều dễ dàng cho bất kỳ người cha người mẹ nào, cũng như vậy, có ai mà không cảm thấy cái ngày hay nửa ngày đầu tiên phải xa con mình dài đằng đẳng và chỉ mong sao nhanh chóng được về nhà để ôm bé vào lòng. Tình trạng tài chính, việc sắp đặt trước công việc và bất kỳ nỗi lo lắng nào mà bạn cảm thấy khi tách xa em bé, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến thời điểm quyết định quay trở lại công việc của bạn. Hãy cân nhắc xem việc quay trở lại làm công việc bán thời gian liệu có phù hợp về tình hình tài chính hoặc làm việc tại nhà liệu có thích hợp không? Để giúp bạn chuẩn bị cho việc quay trở lại làm việc, hãy để em bé trong những vòng tay tin cậy của ông bà hoặc người trông trẻ tin tưởng để tận hưởng những phút riêng tư với chồng bạn. Mỗi lần quay trở lại với em bé của bạn muộn hơn một chút để cuối cùng bạn và em bé sẽ ít bị buồn hơn khi bạn phải xa em bé. Không có một cách làm chính xác nào cả, vì hoàn cảnh mỗi người khác nhau. Đơn giản là bạn phải tìm ra cách làm tốt nhất cho bạn và gia đình bạn và cách làm cho bạn hạnh phúc. Hãy chuẩn bị cho việc bạn có thể sẽ phải hy sinh một số thứ, đây chính là một phần của việc làm cha mẹ.
Hút thuốc, rượu, ma túy và caffeine
Nicotine có thể vào sữa của bạn, có khả năng gây đọc cho em bé của bạn vì vậy bạn không nên hút thuốc trong khi cho con bú hoặc hút thuốc ở nơi có trẻ sơ sinh. Việc hít khói thuốc thụ động có thể làm tổn hại đến hoạt động chức năng của các cơ quan chưa trưởng thành của trẻ sơ sinh, làm tăng nguy cơ trẻ chết đột ngột khi đang ngủ. Không giống như khi mang thai, các bà mẹ đang nuôi con thỉnh thoảng có thể uống một chút ngay sau khi chuẩn bị một kế hoạch cho bú đã định trước. Điều này còn tính đến cả việc vắt sữa trước khi uống rượu và việc dự trữ sữa trong các bình tiệt trùng được làm lạnh và việc phải đợi đến khi nồng độ cồn hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể bạn. Để cho an toàn, hãy chờ 2 đến 3 giờ sau khi uống một ly rượu trước khi cho con bú. Tất cả các loại ma túy và một số dược phẩm không được phép dùng trong thời gian cho con bú. Để phòng ngừa, hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, loại sản phẩm bổ sung thảo dược hoặc loại thuốc không cần kê đơn nào. Hãy cắt giảm liều lượng lớn caffeine để làm dịu em bé sơ sinh hiếu động thái quá của bạn. Giống như khi mang thai, hãy giảm lượng tiêu thụ caffeine từ cafe, các loại nước uống tăng lực, chè, sô cô la và các loại thức ăn khác từ 1 đến 2 chén một ngày, tương đương với 200mg/ngày. Thay vì ăn những cái khác thì hãy tăng năng lượng của bạn một cách tự nhiên bằng việc ăn các loại thức ăn carbonhydrate phức hợp như bánh mì và ngũ cốc nguyên cám, đây là những loại thức ăn sẽ phóng thích năng lượng trong cả ngày, và tăng cường các loại thức ăn giàu chất sắt như thịt nạc và các loại đậu.